Hồ sơ xin việc gồm những gì ? Chuẩn bị hồ sơ xin việc đầy đủ cho sinh viên kiến trúc

17/04/2024

Sinh viên hiện nay thường chỉ biết phải gửi CV xin việc cho nhà tuyển dụng và chờ đợi họ phản hồi. Nhưng thực chất, những giấy tờ xin việc không chỉ có thế. Có cả một bộ hồ sơ xin việc gồm nhiều loại giấy tờ mà ứng viên cần chuẩn bị. Chúng tôi xin gửi đến các bạn bài viết Hồ sơ xin việc của sinh viên kiến trúc gồm những gì để bạn nắm được và dựa vào đó để chuẩn bị cho mình một bộ hồ sơ xin việc đầy đủ, chỉn chu nhất.

ho-so-xin-viec-gom-nhung-gi

I. Hồ sơ xin việc của sinh viên kiến trúc gồm những gì?

1. CV xin việc

Ngày nay, CV xin việc là loại giấy tờ không thể thiếu đối với bất cứ người nào khi đi xin việc bởi nó đã tổng hợp tất cả thông tin mà nhà tuyển dụng quan tâm vào trong một tờ giấy A4. Bạn có thể xem lại Mẫu CV xin việc đẹp cho sinh viên ngành Kiến Trúc và cách viết chuẩn để nắm được cách viết CV sao cho phù hợp. Thế nhưng, một CV cơ bản sẽ gồm có các phần sau:

- Phần thông tin cá nhân là nơi để bạn trình bày tên, tuổi, email và số điện thoại, địa chỉ để nhà tuyển dụng dễ dàng liên lạc với bạn hơn.

- Phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV thể hiện những mong muốn, mục tiêu của bạn trong công việc ở tương lai.

- Phần học vấn để bạn trình bày các loại bằng cấp, chứng chỉ, giải thưởng mình đã đạt được trong quá trình học tập, giúp nhà tuyển dụng thấy được phần nào kiến thức mà bạn có.

- Phần kinh nghiệm làm việc trong CV là nơi bạn liệt kê các công việc mình đã làm và những điều đã học được khi làm công việc đó. Hãy nhớ rằng ở phần này, chỉ ghi những công việc liên quan đến ngành kiến trúc thôi nhé.

- Phần kỹ năng trong CV để thể hiện cho nhà tuyển dụng biết được bạn sử dụng được những phần mềm nào phục vụ cho công việc, có những kỹ năng mềm gì phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển. Hãy liệt kê một cách khéo léo để phần này không quá dài dòng nhưng vẫn hợp lí, đẹp mắt nhé.

2. Thư xin việc

Lá thư xin việc thường được biết đến với tên gọi quen thuộc là Cover Letter. Nó dường như đã thay thế đơn xin việc vì đơn xin thường cứng nhắc, rập khuôn. Cover letter lại có thể tranh thủ trình bày được kiến thức, kinh nghiệm và tầm nhìn, mục tiêu của người xin việc. Là một sinh viên hiện đại, bạn nên tự viết thư xin việc để nhà tuyển dụng thấy được mong muốn được cống hiến, gắn bó với công ty của bạn.

Cấu trúc một lá thư xin việc thường thấy gồm có:

- Quốc hiệu tiêu ngữ, tiêu đề, ngày tháng năm viết đơn

- Kính thưa, phần chào hỏi mở đầu

- Thông tin cá nhân với tên tuổi, học vấn

- Nội dung chính của thư với hai nội dung thường thấy là: chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn là ứng viên phù hợp với vị trí công việc, thuyết phục họ cho bạn một cơ hội để thể hiện năng lực, đem lại giá trị cho công ty và tại sao bạn lại muốn làm việc trong công ty đó.

- Lời cảm ơn và kết thúc, chữ kí của người xin việc.

3. Sơ yếu lí lịch có công chứng

Đây là loại giấy tờ phổ biến khi đi xin việc. Các mẫu sơ yếu lí lịch thường có sẵn trên mạng hoặc trong hồ sơ xin việc, bạn chỉ việc chọn mẫu phù hợp, in ra và điền thông tin vào đó. Các thông tin được ghi cần đảm bảo trung thực, chính xác. Sau khi khai xong, cần mang sơ yếu lí lịch và các giấy tờ liên quan như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, căn cước công dân đến văn phòng hành chính của xã, phường hoặc văn phòng công chứng để lấy dấu xác thực.

4. Căn cước công dân có công chứng

Căn cước công dân là giấy tờ dùng để chứng minh thân phận một cách dễ dàng nhất. Tuy nhiên, mỗi người chỉ có một thẻ căn cước công dân, vậy nên với mỗi bộ hồ sơ xin việc, ta đều phải có một bản photo căn cước công dân có công chứng.

5. Giấy khám sức khỏe

Giấy khám sức khỏe đi kèm với hồ sơ xin việc chỉ có hiệu lực trong vòng 6 tháng. Vậy nên, khi có kế hoạch xin việc, bạn nên đi khám sớm để sớm có giấy bổ sung vào hồ sơ. Các cơ sở y tế tư nhân và công lập đều được Bộ Y tế cấp phép dịch vụ khám và cấp giấy khám sức khỏe xin việc cho cá nhân nên bạn có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào gần nhà mà bạn thấy thuận tiện nhất. Nếu đã có bảo hiểm y tế, bạn chỉ cần bỏ ra từ 200.000 - 500.000 đồng để khám sức khỏe. Còn nếu bạn khám ở các bệnh viện tư nhân hoặc không có bảo hiểm chi trả, số tiền bạn phải bỏ ra là khoảng từ 500.000 - 3.000.000 đồng tùy gói khám.

6. Portfolio

Portfolio là công cụ gần như không thể thiếu của một kiến trúc sư khi muốn chứng minh năng lực của mình. Đây gần như là một quyển sách thu nhỏ ghi lại những sản phẩm, dự án bạn đã thực hiện. Trong đó, hình ảnh chiếm phần nhiều hơn là chữ. Cái nhìn trực quan qua các hình ảnh sẽ khiến cho nhà tuyển dụng dễ dàng đánh giá khả năng của bạn hơn là dựa vào những mô tả trên CV hay Cover Letter.

Thông thường, một Portfolio sẽ có các mục sau:

- Trang đầu tiên ghi thông tin cá nhân như tên, tuổi, số điện thoại, địa chỉ liên và vài dòng tự giới thiệu bản thân.

- Các trang tiếp theo sẽ là hình ảnh về các sản phẩm, dự án bạn đã thực hiện cùng một vài dòng ngắn gọn để mô tả. Ở đây, bạn cần dựa vào năng khiếu thẩm mỹ của mình để sắp xếp màu sắc, bố cục của Portfolio một cách hài hòa nhất.

- Sau đó, bạn có thể đưa ra những lời đánh giá của khách hàng về các sản phẩm của mình. Đây cũng là một minh chứng khách quan để nhà tuyển dụng thấy được năng lực của bạn

- Cuối cùng, hãy trình bày các giải thưởng, thành tích mà mình đạt được trong suốt quá trình học tập và làm nghề cho nhà tuyển dụng thấy được tài năng của bạn.

II. Khi chuẩn bị hồ sơ xin việc, sinh viên kiến trúc cần lưu ý những gì?

Việc làm CV cũng như chuẩn bị hồ sơ xin việc cho sinh viên kiến trúc tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất lại có rất nhiều những điều cần lưu ý như:

- Hãy thực sự chú tâm vào xây dựng hồ sơ của bản thân sao cho phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của công ty/ doanh nghiệp/ tổ chức. Cách thực hiện điều này là bạn phải tìm hiểu kĩ về đơn vị mình ứng tuyển vào (quá trình phát triển, quy mô, văn hóa, giá trị cốt lõi,...).

- Sắp xếp các loại giấy tờ theo đúng trình tự đã ghi ở bên ngoài bộ hồ sơ (nếu bạn nộp hồ sơ xin việc trực tiếp).

- Các giấy tờ như CV, portfolio cần thể hiện được cá tính, "màu sắc" cá nhân để tăng độ nhận diện trong mắt nhà tuyển dụng.

- Nếu bạn gửi thư xin việc qua email, hãy đảm bảo các tệp tài liệu đính kèm đều được lưu dưới dạng file PDF, tránh những lỗi rủi ro không đáng có.

- Đảm bảo tất cả các đường link dẫn đến các dự án đã thực hiện đều có thể truy cập được một cách mượt mà.

- Đảm bảo các tài liệu được trình bày, sắp xếp khoa học, không có lỗi sai chính tả, đánh máy hay những icon, sticker thể hiện sự thiếu chín chắn, không chuyên nghiệp.

- Cách sắp xếp thông tin trong CV xin việc và Portfolio phải hợp lí, logic và chuyên nghiệp, thể hiện gu thẩm mỹ của một kiến trúc sư tương lai

Có rất nhiều vị trí công việc liên quan đến ngành kiến trúc như: trợ lí kiến trúc sư, giám sát công trình, kiến trúc sư, quản lí dự án,... hiện đang tìm ứng viên trên JobOKO.com. Bạn có thể nộp CV online trên trang web trước rồi chuẩn bị hồ sơ xin việc của mình để tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả tìm việc.

Bài viết khác

Xem thêm